Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn
Xâm nhập mặn là hiện tượng thiên nhiên xảy ra thường xuyên ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ nhiều năm nay. Theo quy luật, mỗi năm trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, mặn sẽ xuất hiện ở các khu vực cửa sông và dần xâm nhập sâu vào đất liền mà đỉnh điểm là khoảng tháng 4 hằng nămTheo lý giải của các nhà khoa học, có nhiều nguyên nhân gây ra xâm nhập mặn tại ĐBSCL.
Trong đó, nổi bật nhất là hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tác động mạnh mẽ đến khu vực. Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng thủy điện và các hoạt động khai thác tài nguyên nước tràn lan đang diễn ra ở thượng nguồn sông Mekong đã làm thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước đổ về hạ lưu thuộc ĐBSCL. Hai yếu tố này kết hợp với nhau đã đẩy nước mặn ngày càng tiến sâu vào nội đồng, gây nên tình trạng hạn mặn, thiếu nước ngọt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân miền Tây Nam Bộ.
Mùa khô 2015 - 2016, ĐBSCL phải hứng chịu một đợt hạn mặn chưa từng có trong lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực. Thậm chí, ở nhiều nơi, xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền cả trăm cây số.
Mùa khô năm 2018 - 2019 vừa qua, dù hạn mặn không nghiêm trọng như năm 2016 nhưng cũng diễn ra khá gay gắt. Vào đợt cao điểm cuối tháng 3/2019, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân tại các huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn của tỉnh An Giang bị khô hạn, thiệt hại gây ra cho bà con nông dân không nhỏ.
Mùa khô 2019 - 2020, người dân miền Tây lại phải tiếp tục đối mặt với những thông tin không khả quan. Các chuyên gia và ngành chức năng cảnh báo về những biểu hiện bất thường của mùa mưa năm nay, cụ thể là mực nước tại sông Mê Kông đang xuống mức thấp kỷ lục; lũ năm nay có nguy cơ không về và vào mùa khô, nhiều khả năng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sẽ diễn ra rất khốc liệt.
Trước dự báo này, bà con nông dân không khỏi lo lắng. Ông Lê Văn Dũng, nhà vườn trồng cây có múi ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết, người dân đang bàn bạc tìm cách trữ nước phục vụ trồng trọt và sinh hoạt.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về sinh thái của ĐBSCL, nhận định: “Nước sông Mê Kông vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay đang ở mức rất thấp, xuống dưới cả mức tối thiểu trong lịch sử. Nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong có sự bất thường như vậy là do từ đầu năm đến nay, lượng mưa rất ít. Theo bản tin dự báo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ ra ngày 15/7/2019, tình trạng El Nino sẽ kéo dài 1 - 2 tháng nữa mới chuyển sang ENSO trung tính, vì thế, lượng mưa sẽ còn thấp.
Hạn chế thiệt hại - Giải pháp nào?
Về ảnh hưởng của thủy điện đối với lượng nước về hạ lưu, để hiểu nguyên nhân của mực nước thấp, theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cần xét một vài điều. Đầu tiên, thủy điện không lấy mất nước, chỉ tích nước và xả ra phát điện, thì tổng lượng nước không thay đổi nhưng nó làm thay đổi thời gian của nước. Ngoài ra, cần phân biệt hai loại thủy điện là thủy diện có hồ chứa lớn (ở phần Trung Quốc và các chi lưu) có khả năng tích trữ nước và thủy điện đập dâng, cho nước chảy qua trong ngày. Cũng cần phân biệt 3 loại năm, tính theo lượng nước, là những năm lũ lớn, những năm bình thường, và những năm khô hạn vì ảnh hưởng của các đập thủy điện đối với các năm này khác nhau.
Đối với những năm bình thường, tức là đa số các năm, thì các đập có hồ chứa có khả năng tích nước trong mùa lũ và xả ra trong mùa khô, tức là làm giảm đỉnh lũ và tăng dòng chảy mùa khô, còn các đập dâng cho nước chảy qua trong ngày, ít ảnh hưởng lượng nước về ĐBSCL. Đối với những năm lũ cao, khi các đập quá đầy nước thì sẽ xả ra để tránh vỡ đập, do đó gây ra tình trạng lũ chồng lũ cho phía hạ lưu. Đối với những năm khô hạn, các đập sẽ tăng cường tích trữ nước cho đủ cột nước để chạy turbines. Trong một chuỗi đập thì đập bên dưới phải chờ đập trên xả, tích cho đủ cột nước rồi mới xả cho đập bên dưới nữa, làm nước chậm về hạ lưu, khiến tình hình khô hạn tồi tệ thêm.
Hiện nay ĐBSCL đang trong năm khô hạn, do đó các đập thủy điện đang làm cho tình hình tồi tệ thêm. Lưu ý rằng thủy điện không phải là nguyên nhân ban đầu, mà là nguyên nhân thứ hai.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra từ hạn, xâm nhập mặn, “đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.
Kinh nghiệm cho thấy ít có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn cực đoan. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn bởi những vùng mặn ở ĐBSCL như ở Bán đảo Cà Mau, mặn là từ trong đất ra. Trong quá trình bồi đắp vùng này, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi vòng đường biển vào bồi đắp Bán đảo Cà Mau nên đất ở đây mặn. Vùng này có được 6 tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống. Trong những năm khô hạn, mưa ít và nước sông Hậu rất thấp nên dù có đóng cống ngăn mặn thì vẫn mặn bởi không đủ nước ngọt bên trong.
Riêng đối với nước sinh hoạt thì ngành chức năng cần thông báo sớm cho người dân để tích cực chuẩn bị trữ nước bằng các dụng cụ trong gia đình và các ao, mương gia đình hoặc cộng đồng.
Trước hình tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sẽ diễn ra rất khốc liệt tại ĐBSCL trong mùa khô 2019-2020, ngay từ lúc này, ngành chức năng và người dân các địa phương trong khu vực cần nhanh chóng triển khai các biện pháp đối phó, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại xảy ra./.
“Những bất thường của tình hình thời tiết cũng như mực nước sông Mekong hiện nay khiến ĐBSCL sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Trước mắt, rất có khả năng mùa nước nổi năm nay không về thì bà con nuôi tôm càng xanh mùa lũ ở vùng An Giang, Đồng Tháp cần nắm rõ tình hình này để tránh xuống giống, hoặc có biện pháp đề phòng. Sau Tết, sang khoảng tháng 3/2020, tình trạng hạn hán xâm nhập mặn sẽ rất gay gắt, mặn sẽ vào sâu đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện.
|